Artwork for podcast Banánové deti
Rákosníci, ryža, vráť sa na Miletičku, kričali Slováci na slovenských Vietnamcov
Episode 228th May 2023 • Banánové deti • Claudia Alner
00:00:00 00:27:24

Share Episode

Transcripts

PODCAST TRẺ CHUỐI / TẬP 2

Claudia Alner 0:11

Người Việt ở Slovakia có bị phân biệt chủng tộc không? Chúng tôi đã là một phần của xã hội Slovakia trong hơn ba thập kỷ và chúng tôi tin rằng chúng tôi có mang lợi ích cho xã hội này. Tuy nhiên, có những lúc chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi bị đánh giá khác so với những gì chúng tôi nhìn nhận về bản thân.

Niki Trang:

Tôi đã từng nghĩ rằng tôi không xinh, mắt tôi xếch, vì họ cứ nói tôi như vậy.

Phương Việt:

Ai đó đã viết chữ “rác rưởi” lên hộp thư nhà tôi.

Alex Vo:

Các bạn cùng lớp thỉnh thoảng nói rằng “ ha ha ha mày là người Trung Quốc”.

Phương Việt:

Ban đầu, gia đình cô ấy phản đối cuộc hôn nhân.

Claudia Alner:

Hôm nay chúng ta cũng sẽ nói về việc liệu đã có bất kỳ tiến bộ nào trong vấn đề này hay chưa. Tên tôi là Claudia Alner , bố mẹ tôi là người Việt Nam, nhưng tôi sinh ra ở Slovakia. Đồng tác giả của loạt podcast Trẻ chuối là Peter Hanák.

Âm thanh 0:55

 

Claudia Alner 1:47

o Slovakia vào những năm:

Con cái của họ, những người đã học tại các trường mẫu giáo và trường tiểu học ở Slovakia, cũng đã phải đối mặt với điều này. Bản thân tôi nhớ những lúc đi học về , tôi chỉ mong trên đường về không gặp bạn trai nào từ các lớp khác.

Tôi vẫn còn nhớ có lần tôi đang đi bộ về nhà và từ xa tôi đã thấy một đám trẻ đang đi xe đạp tiến lại gần, nên tôi đã quay lại giả vờ bước vào nhà người khác. Chỉ để tôi không phải đối mặt với ánh mắt của lũ trẻ. Mặc dù vậy, họ vẫn chú ý đến tôi và hét vào mặt tôi rằng tôi là “gạo” và tôi có đôi mắt xếch.

Vì vậy, tôi cũng đã nói chuyện với những người đồng trang lứa của mình thuộc thế hệ người Việt Nam thứ hai xem liệu họ có trải nghiệm tương tự hay không. Ví dụ, tôi đã nói chuyện với Niki Trang, người làm việc tại một trong những tập đoàn ở Bratislava.

Niki Trang 2:36

Tôi gặp phải điều này hàng ngày, họ nói “chúng mày ngoài chợ Miletička” hoặc “mày đến từ chợ trời Miletička” hoặc “mày quay lại đó đi” , hoặc bọn trẻ cứ lặp đi lặp lại với tôi rằng “mày muốn gì ở đây, hãy trở về đất nước của mày đi” và những điều tương tự. Vâng, tôi đã gặp phải điều đó hàng ngày và nếu bạn có thể vượt qua những chuyện đó thì tôi có thể nói đó là thành công đầu tiên vì trong nhiều trường hợp, nó thực sự làm mất đi sự tự tin của tôi.

Claudia Alner 3:00

Nguyễn Tiến Minh đến Slovakia khi anh 12 tuổi. Khi đó, anh đến Slovakia mà không biết tiếng và điều đó làm sự hòa nhập với các bạn cùng lớp khó khăn hơn.

Nguyễn Tiến Minh 3:09

Hồi đó chúng tôi sống ở phố Prievozská và họ đã giật túi của tôi, họ đe dọa tôi và hét lên nên tôi phải chạy nhanh hơn để lên xe buýt, chắc vì thế nên chân tôi rất khỏe (cười) và tôi cũng bắt đầu đi học karate (nhưng không biết có phải vì thế không nữa). Nhưng tôi đã tập karate được 17 năm, và tôi đã gặp những trường hợp như vậy, nhưng không nhiều.

Claudia Alner 3:37

Có những cuộc tấn công thân thể không hay chỉ dừng lại bằng lời lẽ miệt thị?

Nguyễn Tiến Minh 3:40

Tôi nghĩ lời nói nó đau hơn, nhưng tôi không hiểu họ lắm, họ hét lên điều gì đó nhưng tôi mặc kệ họ.

Claudia Alner 3:49

Người Việt không chỉ sống ở Bratislava mà còn ở các vùng khác, ví dụ Lucia Nguyenová đến từ Žilina.

Lucia Nguyenová 3:52

Tôi là người duy nhất trong lớp ngoại hình không giống những người khác. Tôi may mắn là tôi có thể nói tiếng Slovak, nhưng tôi cũng may mắn vì các bạn cùng lớp của tôi, thực ra chúng tôi đã học chung một tập thể 4 năm ở trường tiểu học và sau đó 8 năm tại trường chuyên. Vì vậy, không có sự bắt nạt trong lớp học, chúng tôi là bạn ở đó, nhưng trên đường phố thì khác. Khi bạn nhìn thấy những đứa trẻ hoặc cậu bé khác, bạn sẽ đoán trước .... cho đến bây giờ, bạn chờ đợi những lời chế nhạo như “mắt xếch”  và tôi nghĩ rằng ngay cả ở độ tuổi đó, chúng tôi không có bất kỳ công cụ nào để đối phó với điều này. Khi đã lớn, bạn biết rằng điều đó không nói lên điều gì về bản thân, nó nói nhiều hơn về những đứa trẻ khác hoặc thậm chí cả về người lớn, họ lớn lên trong môi trường nào và quan điểm chính trị của cha mẹ họ như thế nào, v.v.

Claudia Alner 5:08

Một chương đặc biệt là về nhưng người con lai Việt Nam, là người Slovak có cha hoặc mẹ là người Việt Nam và người kia là người Slovak.

Bạn có thể nhớ Ronald từ kỳ trước của podcast này, một cựu sĩ quan cảnh sát và hiện là một dịch giả.

Ronald Truong 5:20

Tôi không gặp phải bất kỳ sự phân biệt chủng tộc nào đối với tôi. Tôi không biết vì sao, nhưng có lẽ cũng vì mẹ tôi là người Slovak và tôi biết tiếng Slovak, đồng thời tôi cũng được nuôi dưỡng bởi một người mẹ Slovak chứ không chỉ cha tôi. Vì thế có lẽ khi ở trường tôi có một số thói quen của người Slovak nhiều hơn những đứa trẻ mà có cả cha và mẹ là người Việt Nam và chúng không biết các phong tục và có thể cư xử hơi khác so với trẻ em Slovakia. Nói chung, tôi cảm thấy rằng những đứa trẻ có cả cha và mẹ là người Việt Nam có thể cảm thấy bị phân biệt chủng tộc nhiều hơn tôi, một người mang nửa dòng máu Việt Nam.

Claudia Alner 6:05

Với hầu hết các bạn đồng lứa với tôi, những người mà tôi đã trao đổi về những trải nghiệm chung với việc bị phân biệt chủng tộc, chúng tôi đều cùng quan điểm rằng mặc dù khi còn nhỏ, tại thời điểm đó chúng tôi cảm thấy bị tổn thương; nhưng ngày nay chúng tôi nhìn sự việc một cách bao quát và chúng tôi biết giá trị của bản thân. Ví dụ như bạn Anna, 18 tuổi đến từ Bratislava, đang là học sinh cấp 3 tâm sự:

Anna Phan 6:23

“Khi còn nhỏ, tôi không thích mình là người Việt Nam vì sợ mọi người không chấp nhận mình nên tôi tự nhủ mình là người Slovak và tôi sinh ra ở đây và như vậy. Nhưng khi tôi lớn hơn, tôi nhận ra giá trị của mình và hiểu tôi như thế nào.”

Claudia Alner 6:40

Nhưng đối với cha mẹ chúng tôi thì thế nào? Vào những năm 80 và 90, người Slovak có bao giờ thể hiện với họ là không chấp nhận sự khác biệt không?

ng, ông đến Slovakia năm:

Phương Việt 6:57

Đúng vậy, trước cách mạng Nhung, những biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc trong xã hội không lộ liễu như sau cách mạng. Đôi khi, tôi có cảm giác mình là người xa lạ ở một thị trấn nhỏ, ví dụ khi chính người hàng xóm đã viết chữ “rác rưởi” lên hòm thư của tôi. Sau cách mạng, sự thay đổi diễn ra nhanh chóng ở Slovakia hay Tiệp Khắc cũ, có thể gọi là “liệu pháp sốc”, nên về mặt lý thuyết, có lẽ người dân không kịp thay đổi gì sau xã hội đó, có thể chính người dân cũng cảm thấy thế. Chính người dân địa phương có thể có tư tưởng bài ngoại rằng người nước ngoài đang cướp công việc của họ, vì vậy có thể họ đã thể hiện theo cách này hay cách khác. Nhưng không chỉ trong xã hội, mà cả tại các cơ quan hành chính, tôi cũng gặp phải những biểu hiện có thể được gọi là “phân biệt chủng tộc mềm”, được thể hiện qua sự khác biệt trong các yêu cầu hành chính giữa người nước ngoài và người bản địa. Cụ thể có một lần, bây giờ có thể gọi là tại biên giới giữa Cộng hòa Czech và Schengen, hồi đó vẫn còn biên giới, sau đó Czech đã gia nhập khối Schengen trong khi Slovakia thì chưa. Tại nơi kiểm soát, tôi đã trình giấy tờ, và sau đó kiểm soát viên nói tôi đi sang làn riêng chờ. Tôi đã đợi, nhưng có vẻ như rất lâu, khoảng 40 phút. Mọi người đã vào và ra xong hết rồi, nên tôi đã tìm đến người có vẻ như là trưởng ca hay là cán bộ cấp trên của họ và đã trình bày mình có chuyện gì. Khoảng 10 phút sau họ gọi tôi vào và không biết là vô tình hay cố tình, ông ấy đã nói “anh ta nói tiếng người mà”.

Ý tôi là, tôi biết tiếng Slovak, tôi đã trả lời trôi chảy các câu hỏi và nói rằng các anh đã lấy giấy tờ cá nhân của tôi và vẫn chưa cho tôi biết lý do tại sao lại giữ tôi ở đây hơn một giờ rồi. Tôi chỉ nghe thấy từ phía sau rằng “anh ta đang nói kìa” và tất nhiên với một nụ cười hoặc một tiếng cười rằng “nói tiếng người kìa”. Tôi không biết chắc trong tiếng Slovak ý anh ấy là gì, nên tôi quay lại nhìn anh ấy và nói: Anh đang nói nghiêm túc đấy à? Ý anh nói về tôi? Chắc anh ấy cảm thấy gì đó nên đứng dậy và tôi đã nói rằng tôi không bỏ qua chuyện này. Tôi sẽ viết thư cho cấp trên của anh hoặc giám đốc lực lượng cảnh sát khu vực Trenčín. Và tôi đã viết thật, và sau đó tôi nhận được một lá thư từ ban giám đốc với lời xin lỗi.

Claudia Alner:

Võ Phương lại có một trải nghiệm khác , anh từng sống ở vùng quê gần Galanta:

Võ Phương:

Đối với tôi, tôi thấy rằng đó là một lợi thế khi sống ở đó với tư cách là người nước ngoài và tôi được đối xử rất tích cực và tôi có mối quan hệ rất tốt với những người hàng xóm và chúng tôi đá bóng cùng nhau, chúng tôi đi uống bia cùng nhau. Vì vậy, đối với tôi, một sự ngạc nhiên thú vị là trên các tờ báo địa phương, họ đã đưa các loại tin tức ví dụ “chúc mừng sự ra đời của con trai ông thạc sỹ”. Đây là những điều dễ thương mà tôi sẽ không bắt gặp nếu ở một thành phố lớn.

Claudia Alner:

Vào những năm 1990, nhiều người Việt tại Slovakia đã thay đổi nghề nghiệp của mình từ công nhân sang kinh doanh. Ngay cả ở đây họ cũng gặp phải một số hình thức phân biệt chủng tộc. Ông Nguyễn Việt Phương nói:

Nguyễn Việt Phương:

Vì chúng tôi không có cửa hàng truyền thống như ngày nay, chúng tôi thường đến những chợ ngoài trời để bán hàng. Tất nhiên, khi có một cuộc tranh giành vị trí bán hàng, mọi người đều nghĩ rằng một nơi nào đó phía trước hoặc bên phải luôn là một nơi tốt hơn ở phía cuối. Vì vậy, khi muốn bán được hàng hơn thì sẽ muốn đứng ở những nơi đó. Ngay cả khi tôi đến sớm hơn, người tổ chức chợ luôn thông báo cho tôi rằng chỗ đó đã có người đứng, mặc dù sau đó tôi phát hiện ra rằng không phải vậy.

Claudia Alner:

Người vợ đầu tiên của ông Việt Nguyễn đến từ Stará Ľubovna. Tôi hỏi anh ấy gia đình cô ấy cảm thấy thế nào về mối quan hệ của cô ấy với một người đàn ông Việt Nam.

Nguyễn Việt Phương:

Ban đầu gia đình cô ấy phản đối kiệt liệt cuộc hôn nhân này. Tôi không biết có nên gọi như vậy là biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc không. Tôi nghĩ đúng hơn đó là tính bài ngoại và sự bài ngoại tự nhiên ở vùng Đông này, khi cả đời người ta không được thấy bất kỳ người nước ngoài nào, vì vậy họ không có cơ hội làm quen với sự đa dạng văn hóa.

Claudia Alner:

Mối quan hệ giữa người Việt Nam và người Slovakia sẽ được chúng tôi thảo luận trong một tập đặc biệt của loạt podcast này.

***********

Claudia Alner:

Không ai trong số khách mời trong podcast nói về việc bị chế nhạo như một sự tổn thương. Mỗi người đối mặt với nó theo cách của mình. Nguyễn Tiến Minh nói rằng điều đó cũng ảnh hưởng tích cực đến anh ấy:

Nguyễn Tiến Minh:

“Tôi đã cố gắng nhiều hơn, làm nhiều việc hơn. Tôi muốn tốt hơn mức trung bình và tôi đã đạt được điều đó với một số thứ. Tôi cũng gặp những người bạn của mình từ thời trung học và bắt đầu tập karate và thiền, và một tuần một, đôi khi hai lần, tôi thức dậy vào lúc 4 giờ sáng. Tôi đi đến Dúbravka và lúc bảy giờ, tôi lại phải quay lại trường học. Về cơ bản đó là sự xác định trong tâm trí (Mindset), tôi rèn luyện cả tâm trí và cơ thể. Tôi đã đi đến Đức để tham gia hội thảo một tuần, ở đó tôi chỉ ngồi, đôi khi nói một vài từ, nhưng về cơ bản không nói nhiều và cố gắng nhận thức bản thân và môi trường xung quanh nhiều hơn”

Claudia Alner:

Niki Trang, người đang làm việc tại một trong những tập đoàn ở Bratislava, có trải nghiệm khác:

Niki Trang:

Khi còn là một thiếu niên, tôi đã cảm thấy khó khăn, tôi từng nghĩ mình không xinh, mắt mình xếch, vì họ cứ nói tôi như vậy, vì tôi khác biệt và điều tôi ao ước là có một mái tóc vàng với đôi chân dài và hòa mình giữa mọi người.

Claudia Alner:

Nhiếp ảnh gia thành công Kvet Nguyễn, người mà bạn đã biết từ tập trước của podcast này, cũng nhớ rất rõ những cảm xúc mà nhận xét tương tự đã gợi lên trong cô ấy:

Kvet Nguyen:

Ngay từ khi còn rất nhỏ, khi người ta thể hiện với bạn rằng bạn không thuộc về một nơi nào đó hoặc bằng cách nào họ cho bạn biết bạn là một kẻ ngoài hoặc chỉ là một người ngoài cuộc, theo tôi, con người lúc đó không thể chấp nhận được điều đó, và tôi vẫn luôn luôn đối mặt với sự tổn thương này, để nó không can thiệp quá nhiều vào hoạt động hàng ngày của tôi. Điều tôi muốn nói rằng tôi đã gặp phải những khoảnh khắc phân biệt đối xử như vậy trong một thời gian dài. Khi người ta nói rằng tôi trông kỳ lạ và họ hét vào mặt tôi bằng một âm thanh hoàn toàn kỳ lạ. Tôi đã nhận ra sự khác biệt từ rất sớm khi tôi thực sự vẫn còn ở với bảo mẫu của mình, khi tôi nhìn vào gương và tôi nói với cô ấy “Anka, hãy nhìn xem cháu xấu như thế nào (tên cô bảo mẫu của tôi là Anka), tại sao cháu không trắng như những người khác”. Với tôi dường như ngay cả làn da hay cơ thể cũng xấu xí so với những gì tôi nhìn thấy xung quanh. Và bởi vì điều đó không được giải thích cho tôi, tôi thực sự coi những người khác là những người tốt và những người có vẻ ngoài đúng đắn. Vì vậy, những điều tiêu chuẩn hóa hoặc một số quy tắc chuẩn mực trong xã hội đó đã được truyền cho tôi rất mạnh mẽ trong môi trường thành phố nhỏ đó và thực tế là bố mẹ tôi không thể hiểu hết những gì đang xảy ra ở trường, tôi thì không phải lúc nào cũng nói chuyện gì đang xảy ra và khi tôi kể thì tôi đã nhận được lệnh rằng tôi không nên băn khoăn về những điều đó. Với tôi, điều đó chắc chắn khó khăn.

Claudia Alner:

Lucia Nguyenová từ Žilina cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự:

Lucia Nguyenova:

Nó có thể sẽ ảnh hưởng đến tôi bằng cách nào đó. Bây giờ tôi khá hơn nên tôi có thể biện minh một cách hợp lý và tôi không xấu hổ về ngoại hình của mình. Tôi không muốn thay đổi bất kỳ danh tính nào, chỉ tiếc là xã hội vẫn tồn tại quan điểm rằng nếu bề ngoài của ai đó khác thì người ta có nhu cầu chỉ ra điều đó bằng lời nói và chế nhạo.

Claudia Alner:

Nhận xét về ngoại hình có thể ảnh hưởng lớn, đặc biệt khi đó là điều bạn không thể thay đổi, và chủng tộc cũng vậy. Những câu nói như vậy không bao giờ mang tính xây dựng.

Cả Niki và Minh đều tìm ra cách để đối mặt với điều đó:

Minh:

Tôi tập cả tinh thần và thể chất. Tôi kết hợp, và việc tập này về cơ bản có ảnh hưởng đến tôi, đến tính cách của tôi, tính cách hiện tại của tôi.

Niki Trang:

Khi tôi còn bé, tôi thường viết thơ và truyện ngắn bằng tiếng Slovak, và điều đó thực sự đã giúp tôi. Như thể qua đó, tôi đã trút các vấn đề căng thẳng, cũng như cảm xúc liên quan đến thực tế rằng tôi khác biệt và tôi là người nước ngoài, hoặc việc họ chế giễu tôi. Tôi đã trút những điều đó ra khỏi bản thân mình theo cách như vậy.

Claudia Alner:

Nhiếp ảnh gia Kvet nói rằng có thể suốt thời gian qua điều này xảy ra vì những định kiến, chúng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, tức là mọi người không biết chúng tôi và do đó có xu hướng đưa ra các giả định.

Kvet Nguyen:

Ngay từ đầu nó đã như vậy. Tôi biết rằng khi người Việt đến nơi đây, tôi đã đọc một số bài báo và tài liệu, họ đã bị gọi những tên ví dụ như “rác rưởi” hoặc những “người trục lợi”, bởi vì về cơ bản người ta có mối liên hệ như vậy với quốc gia xuất xứ, liên quan đến việc bán hàng ngoài chợ. Sau khi chúng tôi đã vượt qua điều đó thì chúng tôi trở thành những người có thể ăn thịt chó, hoặc chúng tôi là những người trồng cần sa, và cuối cùng, cách đây vài năm, thậm chí chúng tôi đã trở thành corona. Theo tôi, những định kiến hoặc khái niệm này dựa trên thực tế là mọi người không có đủ thông tin về cộng đồng chúng tôi và do đó khái quát hóa những gì họ nghe và đọc được trên phương tiện truyền thông và ngay lập tức liên tưởng nó với mọi thứ về chúng tôi . Tất nhiên, có lẽ đó cũng là điều dĩ nhiên, khi người ta nghe được chỉ một điều gì đó, thì họ sẽ liên tưởng cho cả cộng đồng. Nhưng đó cũng là một câu hỏi dành cho giới truyền thông, cách họ miêu tả những con người Việt Nam như thế nào. Ngoài ra, có những điều ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn mạnh mẽ trong định kiến là người Châu Á hay người Việt Nam là những nhà toán học siêu hạng. Tôi không biết đã có bất kỳ phân tích nào về điều này chưa, nhưng tôi nghĩ rằng nó xuất phát nhiều hơn từ bản chất rất chăm chỉ hoặc sự quyết tâm trong chúng ta, và sau đó tính cách của chúng ta bị ngoại lai hóa hoặc họ nhìn chúng ta như một số nhân vật kỳ lạ, điều mà tôi không nghĩ áp dụng cho tất cả mọi người.

Claudia Alner:

Trong những tình huống như vậy, sự can thiệp của người chức trách là một giải pháp khả thi

Kvet Nguyen:

Nếu có lúc nào đó giáo viên hoặc người có thẩm quyền can thiệp thì có lẽ tôi đã hiểu điều đó sớm hơn. Bởi vì bây giờ tôi đã hiểu rằng đó là thiếu sót trong nền giáo dục hay thậm chí là sự kết nối với cộng đồng, mà vào thời điểm đó đơn thuần là không có.

Claudia Alner:

Một lập luận tương tự đã được đưa ra bởi Alex, 15 tuổi , người mà bạn cũng đã nghe lần trước, con trai của ông Võ Phương

Alex Vo:

Sau khi bạn cùng lớp thỉnh thoảng nói với tôi rằng “ha ha ha mày là người Trung Quốc hay gì đó”. Sau đó tôi nói với cô giáo và cô ấy đã hỏi bạn ấy có thích bị gọi bạn là người Nhật không. Và bạn ấy đã dừng lại ngay sau đó.

Claudia Alner:

Xã hội đang phát triển và người dân, đặc biệt là ở Bratislava, đã quen với việc không phải ai có ngoại hình khác thường đều nghiễm nhiên là người nước ngoài.

Kvet Nguyễn:

Tôi đến Bratislava cách đây khoảng 7 hoặc 8 năm hoặc thậm chí có thể lâu hơn, nhưng tôi đã cảm thấy ngay rằng đây là thành phố lớn hơn và mang đến cơ hội ẩn danh trên đường phố, và do đó cách tiếp cận cũng hơi khác một chút. Tất nhiên, ngay tại thành phố nơi các quán ăn Việt Nam xuất hiện sớm hơn, cũng là nơi tiếp xúc thường xuyên nhất với cộng đồng và do đó quan niệm về người Việt cũng thay đổi. Riêng với tôi, tất nhiên “bong bóng xung quanh tôi” đã giúp ích cho tôi. Tôi đã học tại trường cao đẳng mỹ thuật, nơi thực sự có sự chấp nhận rất cao về sự khác biệt, đa dạng và đa văn hóa. Và điều này đã giúp tôi rất nhiều. Qua đó, tôi có thể phân tích lỗi ở đâu. Lỗi không phải ở tôi, nên đột nhiên tôi không còn cảm thấy những cảm xúc như khi tôi ở một thị trấn nhỏ.

Claudia Alner:

Nhiều người trong chúng ta đồng ý rằng về mặt này, Slovakia đã có một số tiến bộ, nhưng vẫn chưa hoàn toàn được như các xã hội đa văn hóa phương Tây. Niki Trang nói:

Niki Trang:

Ngay cả bây giờ, những năm 2022/ 2023, người ta vẫn thường nói với tôi:” Chúa ơi, tên của bạn, tôi không thể phát âm nó, tôi sẽ không đọc nó đâu. Hồi tôi sống ở Anh, không ai ở đó dám nói với tôi rằng tên của bạn là thế này thế kia và tôi sẽ không cố gắng phát âm nó”. Có lẽ, ở đây, chúng ta chưa đạt được mức đó.

Claudia Alner:

Tuy nhiên, cô ấy cũng đã cảm nhận thấy sự tiến bộ ở Slovakia:

Niki Trang:

Tôi đã trở lại đây sau 8 năm sống ở Việt Nam và tôi đã nhận ra rằng Slovakia hay chính xác hơn xã hội Slovakia đã tiến bộ về cách đổi xử với người nước ngoài, vì tôi không còn nhận được những bình luận khiếm nhã nữa.

Claudia Alner:

Lucia Nguyễn nghĩ rằng những người trẻ hơn, ví dụ những học trò của cha cô, quen với sự khác biệt và nhìn nhận điều đó bình thường hơn những thế hệ trước.

Lucia Nguyenova:

Bố tôi là một giáo viên đại học nên nhiều năm nay ông vẫn thường hợp tác với các đồng nghiệp gốc Slovakia, và tôi nhận thấy họ vẫn tôn trọng ông và nhìn nhận ông như thể ông không có gì khác biệt. Tôi nghĩ rằng đó cũng là sự chăm chỉ và đạo đức của ông, ông thật sự rất cẩn thận và mọi tài liệu của ông đều chuẩn bị đúng giờ và ông luôn chấm bài kiểm tra trong vòng 24 giờ cho dù đó là thứ bảy hay cuối tuần. Có lẽ vì vậy họ đánh giá ông dựa trên thành tích của ông chứ không phải việc ông là người nước ngoài.

Claudia Alner:

Nguyễn Thanh Cương, hay còn gọi là Samo, sang đây năm 1987,nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt:

Nguyễn Thanh Cương:

Tôi đã học cách nhìn nhận cuộc sống theo cách vốn có của nó và đồng xu nào cũng có hai mặt. Tôi luôn tiếp nhận nó theo cách mà bất cứ điều gì xảy ra với tôi, kể cả điều tiêu cực, tôi đều cố gắng nhìn nhận từ mặt tích cực, để tôi có thể phản ứng với điều đó và cả giải thoát tốt hơn. Rất nhiều chuyện đã xảy ra từ khi tôi đến đây cho đến bây giờ, và khi tôi so sánh, Slovakia ngày càng trở thành một đất nước khoan dung hơn đặc biệt là với người nước ngoài, và thực sự những định kiến hay khuôn mẫu mà tôi từng trải qua đang dần biến mất. Theo tôi, Slovakia đã cởi mở hơn với người nước ngoài.

Claudia Alner:

Ca sĩ Kristína Trần, người đã từng biểu diễn với nghệ danh Layla, tâm sự:

Kristína Trần:

Tôi nghĩ nó cũng phụ thuộc vào chủng tộc, màu da hay tâm lý cụ thể về một nền văn hóa. Tôi nghĩ rằng người Slovak không đánh giá các nền văn hóa như nhau và những gì đang xảy ra trên chính trường hay mạng xã hội cũng truyền tải nhiều tin bịa đặt và người ta đánh giá dựa vào những thông tin đó. Như thể tất cả đều xuất phát từ nỗi sợ hãi, nỗi sợ hãi về điều chưa biết. Nhưng tôi nghĩ rằng người mà có định kiến hay vấn đề với người dân với một quốc tịch nào đó, nếu đến quốc gia đó thăm quan và làm quen với con người ở nơi đó, thì sẽ thay đổi quan điểm của mình thôi. Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể thầm hy vọng sẽ phát triển đến mức đó.

Claudia Alner:

Nỗi sợ lo này không chỉ có ở người Slovak mà cả người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là thế hệ thứ nhất, tức là cha mẹ chúng tôi, hiện nay đã khoảng 50, 60 tuổi. Họ không vui khi con cái của họ chọn người bạn đời là người Slovak. Nhưng chúng ta sẽ nói nhiều hơn về các mối quan hệ trong tập tiếp theo của loạt podcast “Trẻ chuối”, phát hành và ngày Chủ nhật tuần sau nữa. Tên tôi là Claudia Alner, đã cộng tác cùng Peter Hanák dựng kịch bản podcast ngày hôm nay, biên tập Adam Obšitník, hỗ trợ sản xuất và kỹ thuật Lucia Benčová, Ivan Hrušovský và Zorislav Poljak.

Links

Chapters